ngôn ngữ đời thường
KHẾ IÊM

Muốn có người đọc, thơ phải có nghệ thuật, trong khi những phong trào thơ hậu hiện đại Mỹ như Black Mountain, thơ Ngôn ngữ không hề sáng tác dựa trên bất cứ thể nghệ thuật (art form) nào. Nhưng nghệ thuật cũng chưa đủ mà còn phải chuyên chở được cảm xúc, kinh nghiệm và kiến thức tươi mới của thời đại. Kịch thời Shakespeare, tiểu thuyết cuối thế kỷ trước, điện ảnh và ca nhạc đại chúng hiện nay, đều dựa vào nghệ thuật để tạo nên những thời đại vàng son, hấp dẫn lớp khán thính giả và người đọc bình thường.
Đối với thơ Việt, chúng ta thường nghe nói, “một bài thơ có vài câu hay là một bài thơ hay, một tập thơ có vài bài hay là một tập thơ hay”. Như vậy, cái hay là cái hay của ngôn ngữ và biểu cảm. Và nhà thơ ít quan tâm tới tư tưởng truyền đạt, mà thường tâm đắc với những chữ hay đẹp, mới lạ hoặc khó hiểu, dùng như ẩn dụ để người đọc tự diễn giải theo ý riêng. Và như thế, một bài thơ có vài câu hay cũng đã đủ. Đó là cái hay của thơ Việt tồn tại hàng thế kỷ, và người đọc cũng đã quen thưởng thức cái hay của thơ như vậy rồi, không ai có thể phủ nhận. Dĩ nhiên, không có đúng sai trong thơ, chỉ có thích hợp hay không thích hợp giữa thời đại này và thời đại khác, như sự khác biệt giữa các thế hệ.
Bây giờ, ở thời đại thông tin, khi thế giới biến thành một ngôi làng với nhiều tiếng nói, chẳng lẽ thơ Việt không cần nói với ai khác ngoài chính mình, trong khi mọi ngành nghề đều đang mở rộng vòng tay, tiếp nhận ảnh hưởng từ bên ngoài?
Đề cập tới thơ với chữ mới lạ và khó hiểu, thế còn ngôn ngữ đời thường trong thơ thì sao? Ngôn ngữ đóng một vai trò quan trọng trong mối giao tiếp và truyền đạt, bằng cách sử dụng âm thanh, ký hiệu và ngôn từ (chữ) để thể hiện ý nghĩa, ý tưởng hoặc suy nghĩ. Chúng ta khó có thể nghĩ về sự tồn tại của con người mà không có yếu tố ngôn ngữ. Nhưng những nhà nghiên cứu lại phân biệt ra hai loại ngôn ngữ: ngôn ngữ thông thường được sử dụng bởi người bình thường, và ngôn ngữ văn học nói chung, được sử dụng bởi các nhà thơ, nhà văn và học giả. Một người bình thường có thể hiểu ngôn ngữ thông thường dễ dàng, nhưng rất khó hiểu ngôn ngữ văn học, vì phải tập trung vào cấu trúc của câu, cũng như ý nghĩa và ngụ ý của chữ. Đặc điểm của ngôn ngữ văn học:
1/có tính năng của sự tối tăm và mơ hồ cũng như những suy nghĩ trừu tượng, đặc biệt thơ mộng và khó hiểu. 2/ ngắn gọn và tràn đầy những suy nghĩ tiềm ẩn. 3/ đảo lộn ngữ pháp để tìm kiếm tính mới và loại bỏ các hạn chế của ngôn ngữ bình thường. 4/ độc đáo và mới lạ. 5/ bất định và phức tạp. 5/ châm biếm và ẩn dụ.
Chúng ta có thể trở về thời đại đặc trưng của ngôn ngữ văn học với thơ Anh ở thời đại Victoria, và thơ Tượng trưng Pháp, điển hình là thơ Stéphane Mallarmé. Ông là một trong bốn nhà thơ Pháp thuộc trường phái Tượng trưng (Symbolism), nửa cuối thế kỷ 19, cùng với Charles Baudelaire, Paul Verlaine, và Arthur Rim¬baud. Đa phần thơ ông thuộc thể sonnet (14 dòng, mỗi dòng 12 âm tiết, theo luật thơ Pháp), hầu hết đều khó hiểu, do cú pháp vặn vẹo, sự diễn đạt và hình ảnh tối nghĩa, và dĩ nhiên, khó dịch. Thơ tràn đầy những ám chỉ, ẩn dụ, chơi chữ (word-play), và thường quan tâm tới những âm thanh của chữ hơn là ý nghĩa. Những nhà phê bình, ít khi đồng ý với nhau về cách giải thích thơ ông, và gọi thi pháp của ông là “sự biến mất chấn động” (vibratory disappearance) của thực tại, vào tác phẩm tự đủ và thuần khiết, với cú pháp tu từ đậm đặc, phi chính thống. Cấp tiến hơn, “sự biến mất của nhà thơ, nhường thế chủ động cho chữ”. Ông viết “Bài thơ không làm từ ý tưởng, nó làm từ chữ.”
Cách làm thơ với ngôn ngữ văn học đã đưa tới sự bế tắc của thơ thể luật phương Tây, và thơ tự do ra đời. Sự phân biệt giữa ngôn ngữ đời thường và ngôn ngữ văn học trong thơ không còn nữa. Theo Mark Signorelli, “Nếu có một nguyên tắc gần như hiển nhiên trong số những người đương thời, nhà thơ và nhà phê bình, thì đó là thơ nên được viết bằng ngôn ngữ thường ngày. Ý kiến này có thể được tìm thấy trong lời khẳng định nổi tiếng của Wordsworth, thơ phải viết bằng “ngôn ngữ thực sự của tự nhiên” hoặc “ngôn ngữ thực sự của con người.” Wordsworth, trong Lời nói đầu tập thơ “Lyrical Ballads” (1800) đã từ chối việc sử dụng ngôn ngữ hoa mỹ, không trung thực, và dùng ngôn ngữ đời thường, đưa thơ tới mọi người, đặt trọng tâm vào sức sống của tiếng nói mà người nghèo sử dụng để thể hiện thực tại của họ, giúp khẳng định tính phổ quát của cảm xúc con người. Thơ hiện đại, bắt đầu với chủ nghĩa Hình tượng (Imagist), chủ trương sử dụng ngôn ngữ thông thường với nghĩa chính xác, trực tiếp chỉ sự vật. Và cuối cùng là thơ Tân hình thức Mỹ với ngôn ngữ đời thường.
Ngôn ngữ đời thường trở thành ngôn ngữ thơ của thời hiện đại, và cho đến bây giờ. Nhà thơ Danh dự (Laureate) Mỹ (từ 2001-2003), Billy Collins, đã sử dụng ngôn ngữ đời thường trong thơ, cho thấy những ý tưởng rất phức tạp có thể phát sinh từ một ngôn ngữ đơn giản. Collins và các nhà thơ khác, với phương pháp tương tự, đã ảnh hưởng tích cực đến tính phổ quát của thơ, và ngày càng có nhiều độc giả. Nhưng ngôn ngữ đời thường trong thơ, không đơn giản chỉ là những câu nói thường ngày. Cũng theo Mark Signorelli, ngôn ngữ đời thường trong thơ phải bao gồm nghệ thuật thơ như thể thơ, giọng điệu, và tất cả những yếu tố cần thiết cho thơ. Thí dụ, khiêu vũ là một nghệ thuật hơn hẳn những chuyển động thường ngày như đi đứng, chẳng khác nào kỹ thuật và nghệ thuật thơ làm ngôn ngữ đời thường khác với văn xuôi, thành thơ.
Để chứng minh cho quan điểm của Mark Signorelli là đúng, chúng ta thấy, ngôn ngữ tự nhiên của con người theo Wordsworth, ngôn ngữ thông thường và phái Hình tượng, ngôn ngữ đời thường với thơ Tân hình thức Mỹ, đều chỉ chung là ngôn ngữ nói thường ngày, nhưng tại sao khi áp dụng trong thơ thì thơ tự do thời hiện đại đã thất bại? Lý do những yếu tố luật tắc để tạo thành nghệ thuật thơ đều nằm trong bán cầu não phải, trong khi thơ tự do sáng tác thiên về bán cầu não trái, với ngôn ngữ và kiến thức. Thơ Tân hình thức Việt hoàn chỉnh hơn, khi nối kết giữa cách làm thơ với toàn thể não bộ, không chỉ với riêng một bán cầu não nào. Nhưng đó là phần lý thuyết mới hoàn tất, vì vậy, những sáng tác thơ Tân hình thức Việt trước đó chỉ là giai đoạn khởi đầu, và người làm thơ cần quan tâm tới nghệ thuật thơ, nếu muốn đạt tiêu chuẩn thơ Tân hình thức Việt.
Đến đây, chúng ta cũng cần nhấn mạnh tới một kỹ thuật mới của thơ Tân hình thức Việt, bỏ đi những dấu chấm phảy trong thơ, mục đích làm mất đi dấu vết của văn xuôi. Đó là kỹ thuật khởi đầu khi chưa có tiêu chuẩn và cách làm thơ Tân hình thức Việt, và bây giờ trở thành kỹ thuật làm tăng thêm hiệu năng của nhịp điệu thơ.
Trong văn xuôi ý tưởng phải rõ ràng trong lúc ý tưởng trong thơ thường mơ hồ. Khi áp dụng kỹ thuật này, bài thơ khó phân biệt ý tưởng này và ý tưởng kia, vì bị phủ đi bởi chất thơ. Chẳng khác nào lớp sương mù buổi sáng làm mờ đi quang cảnh sự vật. Khi sáng tác, chúng ta có thể làm cách này, viết một bài thơ với những dấu chấm phẩy rõ ràng, phân biệt các ý tưởng liền lạc từng câu. Sau đó bỏ tất cả các dấu chấm phẩy đi, tiến trình giải trừ, để bài thơ trong trạng thái mù mờ.
Ý tưởng bài thơ bây giờ không còn rõ ràng, bị phủ lấp bởi tốc độ đọc, vừa nên thơ vừa hơi khó hiểu, phù hợp với bản chất thơ. Đối với người đọc, trước khi đọc, cần hiểu rõ ý tưởng bài thơ, bằng cách hồi phục lại những dấu chấm phẩy. Tiến trình hồi phục này cũng là tiến trình đi tìm ý nghĩa bài thơ. Sau đó, khi đã hiểu rõ bài thơ muốn nói gì, lại dùng tiến trình giải trừ để trở lại sự nguyên vẹn của bài thơ, để đọc như một bài thơ. Thí dụ, bài thơ Buổi Sáng (Morning) của nhà thơ Frank O’ Hara, đây là bài thơ viết theo ngôn ngữ đời thường, không có dấu chấm phảy trong nguyên tác. Khi dịch ra tiếng Việt cũng theo đúng nguyên bản, không có dấu chấm phẩy. Bây giờ chúng ta thử hồi phục lại dấu chấm phảy xem sao:
( Bài thơ: Buổi Sáng - Dịch) >>
buổi sáng
Tôi phải nói với em
làm sao tôi luôn yêu
em, tôi nghĩ về điều
đó vào những buổi sáng
xám với nỗi chết trong
miệng, rồi trà chưa bao
giờ đủ nóng, và thuốc
lá khô, chiếc áo khoác
màu hạt dẻ làm tôi
lạnh, tôi cần em và
nhìn tuyết im ắng ngoài
cửa sổ trong đêm nơi
vũng tàu đậu, những chiếc
xe buýt rực rỡ như
đám mây, và tôi lẻ
loi nghĩ về những ống
sáo, tôi luôn mất em
khi tôi ra bãi biển,
cát ướt với nước mắt
dường như của tôi mặc
dù tôi chưa bao giờ
khóc và giữ em trong
trái tim tôi với niềm
vui thích, em có vẻ
tự hào, bãi đậu đông
xe, và tôi đứng lúc
lắc chùm chìa khóa, chiếc
xe hơi trống trơn như
xe đạp, bây giờ em
đang làm gì, em ăn
trưa ở đâu và có
nhiều cá trồng không, thật
khó nghĩ về em với
không có tôi trong ý
tưởng, em làm tôi buồn
phiền khi em ở một
mình, đêm qua những vì
sao dầy đặc, và hôm
nay tuyết là danh thiếp
của chúng, tôi không thân
thiết không có gì làm
tôi sao lãng, âm nhạc
chỉ là trò đố chữ,
em có biết thế nào
khi em là người hành
khách duy nhất, nếu đó
là nơi xa hơn nơi
tôi, xin em đừng đi.
Tiếp theo trang kế là bài thơ không có dấu chấm phẩy dịch theo nguyên bản: Bài thơ “Buổi sáng” của Frank O’ Hara
KHẾ IÊM (chuyển dịch)
buổi sáng
Tôi phải nói với em
làm sao tôi luôn yêu
em tôi nghĩ về điều
đó vào những buổi sáng
xám với nỗi chết trong
miệng rồi trà chưa bao
giờ đủ nóng và thuốc
lá khô chiếc áo khoác
màu hạt dẻ làm tôi
lạnh tôi cần em và
nhìn tuyết im ắng ngoài
cửa sổ trong đêm nơi
vũng tàu đậu những chiếc
xe buýt rực rỡ như
đám mây và tôi lẻ
loi nghĩ về những ống
sáo tôi luôn mất em
khi tôi ra bãi biển
cát ướt với nước mắt
dường như của tôi mặc
dù tôi chưa bao giờ
khóc và giữ em trong
trái tim tôi với niềm
vui thích em có vẻ
tự hào bãi đậu đông
xe và tôi đứng lúc
lắc chùm chìa khóa chiếc
xe hơi trống trơn như
xe đạp bây giờ em
đang làm gì em ăn
trưa ở đâu và có
nhiều cá trồng không thật
khó nghĩ về em với
không có tôi trong ý
tưởng em làm tôi buồn
phiền khi em ở một
mình đêm qua những vì
sao dầy đặc và hôm
nay tuyết là danh thiếp
của chúng tôi không thân
thiết không có gì làm
tôi sao lãng âm nhạc
chỉ là trò đố chữ
em có biết thế nào
khi em là người hành
khách duy nhất nếu đó
là nơi xa hơn nơi
tôi xin em đừng đi.
KHẾ IÊM
(Thơ dịch)
Tiểu sử các nhà thơ Mỹ
Frank O’ Hara (1926- 1966), là nhà thơ và nhà phê bình nghệ thuật, thuộc trường phái New York. Ông chịu ảnh hưởng của nhà thơ WilliamCarlos Williams, viết bằng ngôn ngữ thường ngày. Năm 1964, ông xuất bản tập thơ "Lunch Poems" (Những Bài Thơ Trong Bữa Ăn Trưa), mỏng, với 37 bài thơ, 70 trang, nhưng là tập thơ được tái bản mỗi năm, và được những nhà phê bình coi như là tập thơ của thế kỷ 21. Thơ ông thường ghi chép những chuyện vụn vặt thường ngày.
John Barr là nhà thơ, giảng dạy chương trình viết văn sau đại học, chủ tịch đầu tiên của Poetry Foundation từ 2004 đến 2013, phục vụ trong ủy ban của Hiệp hội thơ Mỹ. Thơ ông xuất hiện ở rất nhiều tạp chí thơ và văn học.
Mark Anthony Signorelli là nhà viết tiểu luận, nhà soạn kịch và nhà thơ. Ông cũng là một trong những biên tập viên của New English Review. Thơ ông đã xuất hiện trên Evansville Review, Publican of Philadelphia, và New English Review.