mỹ học và sự thẩm thức nghệ phẩm

Tuesday, June 19, 20187:39 AM(View: 4531)
mỹ học và sự thẩm thức nghệ phẩm
TS Nguyễn Minh Triết -1









mỹ học và sự 

thẩm thức nghệ phẩm

Nguyễn Minh Triết


“Lời quê góp nhặt dông dài/ mua vui cũng được một vài trống canh”, đó là câu kết của văn hào Nguyễn Du khi chấm dứt truyện thơ nổi tiếng hay, đẹp là Đoạn Trường Tân Thanh. Những câu thơ trác tuyệt mà Nguyễn Du gọi là “lời quê” thực ra không “quê” chút nào như mọi người đã biết. Nhưng điểm mà người viết muốn nêu ở đây là truyện Kiều nói riêng và một tác phẩm nghệ thuật nói chung có phải chỉ đáng để “mua vui”, chỉ đáng được coi như một thứ giải trí cho mọi người hay phải coi tác phẩm nghệ thuật có một giá trị cao hơn và có một chỗ đứng xứng đáng trong cuộc sống của con người?

Ai cũng cho truyện Kiều thật là hay nhưng hỏi hay thế nào thì được bao nhiêu người có thể trả lời rành rọt, hoặc nếu trả lời được thì mỗi người trả lời mỗi cách khác nhau. Sở dĩ có tình trạng như vậy là vì quan niệm về cái hay, về cái đẹp là một quan niệm có tánh cách rất tương đối và chủ quan. Tuy nhiên, một cách tổng quát khi nói về cái Đẹp cũng có một số chuẩn mực được mỗi xã hội chấp nhận như là một hệ quy chiếu cho cái Đẹp, và cho Chân – Thiện - Mỹ.

Khi nói đến cái đẹp văn hóa phương Đông chú trọng vào giá trị tinh thần. Văn hóa phương Đông thường đi tìm cái khí, cái thần, cái siêu thoát của tác phẩm nghệ thuật hay dùng trực cảm hòa mình với cái đẹp, với chân lý rồi để chân lý tự bộc lộ và bừng sáng trong tâm linh họ. Điều này thể hiện rõ ràng nhứt trong thi ca và hội họa Á đông. Văn hóa phương Đông thường có một bề ngoài đơn giản gần như nghèo nàn, nhưng ẩn dấu phía sau là một triết lý và những ý tưởng vô cùng uyên thâm và sâu sắc. Tranh thủy mạc là một trường hợp điển hình.

Người phương Tây, trái lại, chuộng sự rõ ràng minh bạch và lấy yếu tố vật chất làm căn bản cho sự qui định cuộc sống tinh thần và lối sống cùng lối suy tư của người phương Tây. Để thưởng thức cái đẹp văn hóa phương Tây lại chú trọng nghiên cứu các chuẩn mực của cái đẹp rồi căn cứ vào đó thẩm định giá trị của một tác phẩm nghệ thuật. Ngành học nghiên cứu về các chuẩn mực của cái đẹp này được gọi là môn Mỹ học (aesthetics).

Như trên có nói mỹ quan có tánh cách tương đối và chủ quan nên môn Mỹ học cho đến nay vẫn còn nhiều vấn đề đang còn trong vòng tranh luận. Trước nhứt , nhiều người vẫn còn nghi ngờ Mỹ học có phải là một môn học đích thực không? Nhiền người khác lại thắc mắc không hiểu Mỹ học có phải là một bộ môn của triết học và nếu có, sự liên hệ của Mỹ học với triết học như thế nào?

Theo một triết gia người Đức thì triết học Hy lạp cổ gồm có ba môn chánh là vật lý học (physics), luân lý học (ethics), và luận lý học (logic). Sự phân chia này không được các học giả thế giới và nhứt là các giáo sư triết học Mỹ hiện nay đồng ý. Trong số đó có giáo sư triết học Ed Miller, theo ông thì triết học gồm sáu bộ môn như: Siêu hình học (metaphysics), kiến thức học (epistemology), luân lý học (ethics), thẩm mỹ học (aesthetics), luận lý học (logic), và lý thuyết về giá trị (value theory). Hai giáo sư triết học Mỹ khác là Brooke Moore và Kenneth Bruder cũng xác nhận triết học có bảy bộ môn trong đó năm bộ môn giống như sự phân chia của giáo sư Ed Miller ngoài trừ bộ môn lý thuyết về giá trị và thay vào đó bằng môn triết học xã hội (social philosophy) và triết học chánh trị ...
(political philosophy Nhìn chung thì Mỹ học (aesthetics) ngày nay đã được giới hàn lâm thừa nhận là một bộ môn của triết học, và môn học này chú trọng đến vấn đề tìm hiểu cái đẹp và cái xấu, và nghiên cứu xem những đặc tánh về cái đẹp cái xấu đó có thực sự hiện hữu trong tác phẩm nghệ thuật hay chỉ có trong suy tưởng của cá nhân người thưởng ngoạn.

Mỹ học cũng có nhiệm vụ nghiên cứu các triết thuyết liên quan đến nghệ thuật, các phê bình có tánh cách triết lý của các nghệ phẩm, và thẩm định đặc tánh triết học của các hành động nghệ thuật, các phản ứng tình cảm và tâm lý của con người đối với các yếu tố của nghệ thuật như màu sắc, âm thanh, đường nét, hình tượng, và ngôn ngữ.

Về phương diện lịch sử, quan niệm về nghệ thuật và mỹ học đã được các triết gia như Plato và Aristotle đề cập đến từ lâu. Hai triết gia này cho nghệ thuật như là sự bắt chước (imitation) sự vật và hình tượng trong thiên nhiên. Riêng Aristotle còn đi xa hơn khi cho rằng nghệ thuật có ảnh hưởng đến cá tánh của con người, do đó có ảnh hưởng đến trật tự của xã hội. Và vì cho rằng mục tiêu của cuộc đời là đạt đến hạnh phúc nên Aristotle cho chức năng chánh của nghệ thuật là đem lại cho con người sự thỏa mãn.

Quan niệm cho nghệ thuật là sự bắt chước thiên nhiên tồn tại mãi cho đến thế kỷ thứ 18 mới thay đổi với một quan niệm rõ ràng hơn về cái Đẹp do nhiều triết gia người Đức đề xướng. Theo Immanuel Kant, một triết gia người Đức, một vật được phán đoán là đẹp khi vật đó thỏa mãn được một khát vọng vô tư, nghĩa là không liên hệ gì đến đến sở thích hoặc nhu cầu cá nhân. Cái đẹp đó không nhằm thỏa mãn một mục tiêu nào và sự phán đoán xấu đẹp đó có tánh cách chủ quan và được dựa trên một tiêu chuẩn phổ quát.

Theo Kant, cái Đẹp không phải là đặc tánh của sự vật mà là cách ta phản ứng lại sự vật. Trong khi đó, G.W. Hegel, một triết gia người Đức khác, cho nghệ thuật, tôn giáo, và triết học là nền tảng cho sự phát triển tinh thần cao tột. Nét đẹp của vạn vật là mọi thứ làm cho tinh thần của con người vui thích và thăng hoa. Nghệ thuật tái tạo nhiều sự vật trong thiên nhiên cho thêm phần vui thích và hòa hợp hơn hầu thỏa mãn nhu cầu mỹ quan của con người.

Gần đây, MartinHeidegger, cũng là một triết gia nổi tiếng khác của Đức, còn nhận định rằng một nghệ phẩm ngoài giá trị nội tại có tánh cách vật chất hiện hữu, nó phải nói lên một cái gì cao xa hơn bản thể của nó. Nghệ phẩm phải là một thứ dụ ngôn để nói lên một cái gì sâu xa hơn, tiềm ẩn hơn.

Vấn đề mỹ học cũng được các triết gia người Pháp quan tâm bàn thảo. Triết gia Henri Bergson cho nghệ thuật là khoa học tạo nên hệ thống những biểu tượng có nhiệm vụ miêu tả thực tại nhưng thực tế thì lại làm sai lạc thực tại. Tuy vậy, vì nghệ thuật dựa vào trực giác mà trực giác là sự lãnh hội thực tại một cách trực tiếp không qua trung gian của tư tưởng, nên nghệ thuật đã đi xuyên thấu qua những biểu tượng và niềm tin về con người, về cuộc sống, và về xã hội để đương đầu thẳng với chánh thực tại. Đồng quan điểm với Bergson, nhưng triết gia Ý Benedetto Croce còn cho thêm ý tưởng tác phẩm nghệ thuật là sự biễu lộ bằng hình thể vật chất cái trực giác ấy của nghệ sĩ.

Ngoài ra, ông còn nhận định cái đẹp và cái xấu không phải là đặc tánh của nghệ phẩm, mà là đặc tánh của tinh thần được biểu lộ mặc khải qua tác phẩm nghệ thuật. Cũng tại Pháp, Jean-Paul Sartre, nhà văn và triết gia hiện sinh, cho nghệ thuật là một lối biểu lộ sự tự do chọn lựa của cá nhân, và là trách nhiệm của cá nhân đó về sự lựa chọn của mình. Theo Sartre sự tuyệt vọng phản ánh qua nghệ phẩm không phải là sự tận cùng mà là sự bắt đầu, vì nó trừ tiệt được tội lỗi và sai lầm mà con người thường hay đau khổ, và như vậy nó mở ra con đường đưa tới sự tự do đích thực.

Tại Mỹ, triết gia John Dewey lại cho rằng kinh nghiệm của con người thì rời rạc, từng mãnh vụn vặt, đầy những chuyện bắt đầu mà không có kết luận chỉ trừ một ngoại lệ là kinh nghiệm mỹ học thì lại đi suông sẻ từ đầu cho đến cuối. Kinh nghiệm mỹ học là sự thưởng ngoạn vì thưởng ngoạn, một sự thưởng ngoạn hoàn toàn và đầy đủ, không là công cụ cho một mục tiêu nào khác. Như vậy, xuyên qua một số tư tưởng của các triết gia về cái đẹp, ta thấy chức năng của triết học rất là quan trọng vì triết học là khai phóng, là mở rộng khả năng tư duy thuần lý củacon người để đạt được sự khôn ngoan trong sáng, để hiểu được vạn vật và tạo cho mình một cuộc sống hạnh phúc. Khả năng tư duy thuần lý giúp con ngưòi phân tách và phán đoán hợp lý, hợp thời về sự chọn lựa mục đích tốt nhứt trong số các mục đích khác nhau của cuộc sống. Khả năng này cũng giúp con người chọn lựa phương tiện hành động tốt nhứt để đạt mục đích đã chọn. Triết học cũng giúp cho con người có một cuộc sống tâm linh phong phú và biết sống một cách có nghệ thuật. Muốn sống có nghệ thuật con người phải biết thưởng thức cái đẹp của thiên nhiên và tạo vật nói riêng và Chân, Thiện, Mỹ nói chung.

Nhưng một trong những câu hỏi kích động được giới phê bình văn học đặt ra là tác phẩm văn học có nên được xem xét dưới ánh sáng của mỹ học không. Tại sao ta phải đối xử với tác phẩm văn học khác biệt với các hiện tượng khác cũng cần được giải thích.

Vấn đề được đặt ra là do nơi ảnh hưởng của quan niệm triết lý về sự nghiên cứu văn học. Theo quan niệm của các nhà lý luận hậu cấu trúc như Barthes và Derrida thì vì mỹ học là một phân ngành của triết học và triết học có nhiệm vụ truy vấn những vấn đề làm thăng hoa địa hạt nhỏ hẹp của mỹ học nên các văn bản văn học được thể hiện qua các nghệ phẩm cũng cần được chiếu rọi dưới các truy vấn rộng lớn đó. Dựa trên quan niệm này các lý thuyết hiện đại đã mặc nhiên thừa nhận là văn bản phải tiêu biểu cho lý tưởng của cái đẹp và khiếu thẩm mỹ và văn bản cũng phải có đặc tánh trọn vẹn, toàn bộ và đồng nhứt.

Đối với vấn đề có nên hay không nên xem xét tác phẩm văn học dưới ánh sáng của mỹ học là một đề tài cho nhiều cuộc thảo luận rất phức tạp, tuy nhiên nhìn chung có hai khuynh hướng. Một khynh hướng ủng hộ lập luận cho mỹ học là một mô hình giải thích hữu dụng cho sựthẩm thức nghệ phẩm. Một khuynh hướng khác được gọi là khuynh hướng “phản mỹ học” thì bài bác lập luận cho rằng nghệ phẩm tạo được những nghĩa khác biệt không tìm thấy được trong các sinh hoạt khác của con người.

Một trong các triết gia tiêu biểu cho khuynh hướng thứ nhứt là Arthur C. Danto. Ông được xem là một lý thuyết gia về mỹ học do nơi có nhiều tiếp cận với các môn nghệ thuật vật thể như hội họa, và tạc tượng. Tuy nhiên, những tư tưởng của ông cũng có giá trị đối với các ngành nghệ thuật khác.Lý luận của Danto thường là chống lại lập luận của Plato vì ông này chủ trương tước đoạt tự do của nghệ thuật. Danto bài bác quan niệm “mỹ học kiểu Socrate” trong đó triết gia qui định mọi chức năng của nghệ sĩ, những chức năng này phải theo những tiêu chuẩn về bản thể tính thuần lý.

Ông cho làm như vậy là xâm lấn vào sự tụ do của nghệ thuật. Làm như vậy là triết học tạo ra những người nộm phù hợp với thẩm quyền phê phán của nó, rồi sau đó nô lệ hóa phạm trù của cái Đẹp với những nguyên tắc duy lý. Danto hứa sẽ giải thoát cho nghệ thuật khỏi quyền uy độc đoán đó của triết học. Danto chủ trương rằng sự khác biệt giữa một sản phẩm thông thường và một nghệ phẩm là nghệ phẩm được hỗ trợ bởi nhiều cấu trúc diễn nghĩa. Và chánh sự diễn nghĩa đã tạo nên sự thưởng thức nghệ thuật. Danto tin tưởng là trong khi có nhiều dạng thức văn học tùy thuộc vào những khung qui chiếu có tánh cách diễn giải như các bài báo, các bài kể tiểu sử nhân vật..v.v.., nhưng chỉ duy nhứt có nghệ phẩm là tự làm rạng rở nhờ đã khơi dậy được những lời phẩm bình về những điều nó trình bày.

Một triết gia có thể xem như đại diện cho khuynh hướng “phản mỹ học” là Paul de Man. Ông là tác giả được xem thuộc trường phái hủy tạo của Mỹ chủ trương mọi việc trong đời đều khôi hài và nghịch lý. De Man cho rằng con người triền miên thất vọng vì sự nghịch lý giữa thế giới được mô tả qua ngôn ngữ và tư tưởng và thế giới hiện thực mà con người đang sống. Đặc biệt trong lảnh vực văn học, De Man cho rằng luôn luôn có sự căng thẳng giữa nghĩa đen và nghĩa có tánh cách văn phạm của chữ và những ẩn dụ biểu trưng của nó. Ông cũng phân biệt một bên là phê bình văn học trong đó văn học được xem như là những mô hình của sự nguyên
vẹn, của sự hài hòa, và của sự hòa giải và bên kia là sự phê bình kiểu của ông trong đó ông cố chứng minh là có sự bất khả hòa giải giữa các viễn cảnh vụn vặt của văn học.

Ông cho mỹ học trong văn chương thuộc loại phê bình văn học mà ông vừa phân biệt trong đó mỹ học lờ đi hay che đậy các sự nghịch lý về xã hội và ngôn ngữ trong khi văn chương cố phơi bày ra.

Đối nghịch lại quan niệm phê bình văn học đó, De Man đưa ra một lý thuyết gọi là lý thuyết phản bác trong đó ông nêu rõ các nghịch lý căn bản trong văn học cũng như trong cuộc sống xã hội. Một trong các điều ông phản bác là tánh cách hiện tượng của biểu hiện (signifier) như từ về âm thanh, thì rõ ràng có sự liên hệ giữa tên gọi và vật được gọi; tuy nhiên theo ông sự liên hệ giữa chữ và sự vật không có tánh cách hiện tượng mà có tánh cách qui ước.

Một phản bác khác của ông là trong xã hội hiện tại để thưởng thức nghệ phẩm ta không những chỉ đọc văn bản rồi tưởng tượng nghĩa của tác phẩm mà còn cần phải biết “đọc” các hình tượng, màu sắc và hiểu các luật tắc của hội họa, âm nhạc để hiểu được nghĩa của các các nghệ phẩm này. Tánh chất văn học (literariness), theo ông cũng thường bị hiểu lầm như là một phản ứng mỹ học. Tánh chất văn học không phải là một đặc tánh mỹ học.

Sự hiểu sai lạc nhứt của tánh chất văn học, và cũng là sự phản đối thường hay lặp lại đối với các lý thuyết văn học hiện đại là coi tánh chất văn học như là sự quá câu nệ vào từ, như là sự chối bỏ nguyên tắc thực tại nhân danh những điều giả tưởng tuyệt đối và coi đó như là một điều xấu hổ. Theo ông văn chương có tánh giả tưởng không phải do văn chương chối bỏ thực tại mà vì một điều chắc chắn không chối cải được là ngôn ngữ phải hành xử theo những nguyên tắc giống như những nguyên tắc của thế giới hiện tượng. Hay nói một cách khác, điều chắc chắn không chối cải được là văn chương không phải và không thể là nguồn thông tin đáng tin cậy cho bất cứ điều gì ngoại trừ chánh ngôn ngữ của nó.

Dù theo khuynh hướng nào đi nữa thì các xã hội văn minh đều biết vun trồng cái đẹp để nâng cao giá trị văn hóa cho cuộc sống và khiến cuộc đời trở thành đáng sống hơn. Do đó, tác phẩm nghệ thuật là một sản phẩm không thể thiếu trong cuộc sống của các xã hội văn minh. Nhưng thế nào là tác phẩm nghệ thuật hay nghệ phẩm?

Xác định một tác phẩm là một nghệ phẩm là một vấn đề hãy còn tranh cãi vì một tác phẩm được nhóm này xem là nghệ phẩm lại bị nhóm khác phủ nhận giá trị nghệ thuật của nó. Có một số người định nghĩa “thưởng ngoạn nghệ thuật” như là sự thấu hiểu được nghĩa của nghệ phẩm, nghĩa ở đây hàm ý là nắm bắt được mục tiêu cao cả nhứt của khát vọng mỹ thuật

Một số người khác lại nghi ngờ về sự gán ghép nghĩa cho một nghệ phẩm vì họ cho làm như vậy là xâm phạm thô bỉ vào tính trinh nguyên của mỹ thuật và tính nhất thống của nghệ thuật. Sự khác biệt sâu xa của hai quan điểm đối với nghệ phẩm này là phần nào do nơi sự hiểu khác nhau về danh từ “nghĩa”. Vì vậy để xác định tánh cách chánh thống của môn mỹ học thiết tưởng ta cần nên thẩm tra sự hiểu biết về danh từ “nghĩa” đã được hai nhóm này gắn cho nghệ phẩm ra sao.

Đối với nhóm thứ nhứt, họ xem nghi vấn về nghĩa của nghệ phẩm tự nó là một hành vi mỹ thuật, cho nên biết “thưởng ngoạn” nghĩa của nghệ phẩm đã là một thành tựu mỹ thuật độc đáo. Về nghĩa của nghệ phẩm, Umberto Eco, một nhà ngữ học Ý đã bác bỏ lý thuyết về nghĩa duy nhứt được đề cập tới trong các tác phẩm về mỹ học cổ điển. Ông chủ trương tánh đa nghĩa và sự tương đối của nghĩa trong các tác phẩm văn học. Khi một tác phẩm văn học hoàn thành, nghĩa của tác phẩm không còn tùy thuộc vào ý đồ của người viết nữa mà tùy thuộc vào trình độ, lợi ích và hệ thống giá trị của một cộng đồng nhứt định. Người đọc diễn giải tác phẩm phù hợp với hệ thống chuẩn mực mà cộng đồng dùng để đo các giá trị. Điều này cho thấy tại sao cùng một văn bản mà được đánh giá khác nhau tại những môi trường và thời gian khác nhau.

Trái lại, nhóm thứ hai vì cho rằng nếu muốn, người ta cũng có thể thấy được những nghĩa phản mỹ thuật trong một nghệ phẩm nên họ không đồng ý với sự giải thích danh từ nghĩa như là một phạm trù mỹ thuật. Nghĩa phản mỹ thuật của một nghệ phẩm có thể chia làm ba loại chánh. Loại thứ nhứt là có những trường hợp nếu cho nghệ phẩm một nghĩa tức là gán cho nghệ phẩm một mô tả bằng hình tượng hay một cách hiểu biểu trưng.

Do đó, ý nghĩa biểu tượng của con sư tử, hoặc của chiếc áo choàng của tu sĩ ... có một ý nghĩa mặc nhiên được thừa nhận không cần phải luận bàn và có một giá trị mỹ thuật ngoại hạng Loại nghĩa phản mỹ thuật thứ hai của nghĩa của nghệ phẩm có tánh cách lịch sử và liên quan đến tác giả vì chánh các sự phát giác về nguồn lực tâm linh, những tình tiết trong tiểu sử của tác giả và những động lực đặc biệt đã tạo nên đặc tánh của tác phẩm.

Loại nghĩa phản mỹ thuật thứ ba là sự quan trọng của nghệ phẩm đối với môi trường xã hội và ý thức hệ từ đó tác phẩm đã hình thành và của các dòng tư tưởng và các nét đặc thù biểu lộ hoặc tiềm ẩn mà tác phẩm đã ghi nhận được. Sự phát hiện những ý nghĩa đó là công việc của nhà viết tiểu sử, của nhà đạo đức học, của nhà phân tâm học, của nhà văn học sử hơn là công việc của người thưởng thức mỹ thuật tức là không phải thuộc vai trò của mỹ học.

Khi ta đề cập đến nghĩa của bất cứ một thứ gì là ta nói đến sự qui chiếu các hình ảnh hoặc ý nghĩa đã qui định mà nghĩa đã gợi lên trong trí ta dựa vào một lý thuyết về biểu trưng đã được thừa nhận. Giả thử nói điều vô lý là nghĩa của bất cứ thứ gì cũng có nghĩa là chánh nó, thì điều này khiến ta phải kết luận là nghĩa của nghệ phẩm nằm ở ngoài nghệ phẩm. Điều này mâu thuẩn với lý thuyết tánh chất tự tại của nghệ phẩm. Cho nghĩa của nghệ phẩm vượt quá giới hạn của nghệ phẩm là phá vỡ tánh cách hiện thì (immediacy) của mỹ học.

Theo như MacLeish thì hãy thưởng ngoạn chất thơ của một bài thơ hơn là nghĩa của bài thơ. Nếu nghĩa là mỹ thuật thì nó tất yếu phải ẩn chứa trong nghệ phẩm. Khi nói nghĩa mỹ thuật ẩn chứa trong nghệ phẩm là nói phần này của nghệ phẩm có thể tượng trưng hoặc mang nghĩa cho phần kia của nghệ phẩm. Và như vậy ta đã đề cập đến lý thuyết về sự liên kết các yếu tố vật chất và các yếu tố hình thức trong một bức họa, và lý thuyết về kết cấu và cấu trúc của một bài thơ. Các chữ và câu trong một bài thơ thường ẩn dụ một số hình ảnh. Đa số các bài thơ đều có một chủ đề.. Những chủ đề hay nghĩa của bài thơ này, về phương diện mỹ học không phải là cái ý nghĩa bên ngoài mà bài thơ muốn biểu trưng, mà chánh là bản thể (very stuff) của bài thơ, nhưng không phải toàn thể mà chỉ là phần bản thể hội nhập và hòa tan với các câu, với các chữ, với vần, với điệu... đã tạo nên bài thơ như một cấu trúc mỹ thuật.

Bất cứ một nghệ phẩm nào cho dù là một bài thơ, một tiểu thuyết, một bản nhạc, một bức tranh, một bức tượng điêu khắc... đều có thể coi như ẩn chứa một thứ ngôn ngữ. Thứ ngôn ngữ này cần phải được người thưởng ngoạn tìm tòi, khám phá để cảm thông được với người nghệ sĩ đã tạo ra nghệ phẩm. Nghệ phẩm chỉ là một nhịp cầu trung gian để chuyên chở ý tình hoặc tư tuỏng từ nguồn sáng tạo tức người nghệ sĩ đến nguồn tiếp nhận là người thưởng ngoạn. Khi hoàn thành tác phẩm công việc của người nghệ sĩ hoàn tất. Công việc của người thưởng ngoạn bắt đầu khi tiếp nhận nghệ phẩm. Người thưởng ngoạn có khám phá ra và đọc được các ẩn dấu tâm tình hoặc tư tưởng của nghệ phẩm hay không là tùy thuộc vào trình độ nhận thức của người thưởng ngoạn. Giá trị của nghệ phẩm tùy thuộc vào sự khám phá này. Nếu không khám phá được các ẩn dấu này người thưởng ngoạn sẽ không hiểu được nghệ phẩm hoặc có thể hiểu sai ý tình hoặc tư tưởng mà nghệ phẩm muốn truyền đạt.

Muốn nắm bắt được giá trị mỹ học của một nghệ phẩm, người thưởng ngoạn cũng cần có một số điều kiện. Sự thưởng ngoạn có tánh cách mỹ học là kết quả của một sự kết hợp nhuần nhuyễn và phức tạp giữa những thái độ chủ quan và khả năng thẩm thức nghệ thuật của người thưởng ngoạn. Sự phản ứng đối với nghệ phẩm này của người thưởng ngoạn được gọi là kinh nghiệm mỹ học (the aesthetic experience). Một kinh nghiệm mỹ học xảy ra khi có sự tương thông giữa nghệ phẩm và người thưởng ngoạn.

Một tác phẩm nghệ thuật được xem là có giá trị khi kinh nghiệm mỹ học mà tác phẩm đó có thể tạo ra là một kinh nghiệm có phẩm chất. Nếu một nghệ phẩm như một tổng thể không kích động được một kinh nghiệm thẩm mỹ có chất lượng nào thì nghệ phẩm đó không thể được xem là một nghệ phẩm có giá trị. Để cho một kinh nghiệm thành chuẫn mực cho sự đánh giá một nghệ phẩm, kinh nghiệm đó phải là kinh nghiệm có liên hệ trực tiếp và có hệ quả với phẩm chất của nghệ phẩm. Ở đây ta cần phân biệt kinh nghiệm mỹ 
học này với những kinh nghiệm cũng phát sinh từ sự hiện diện của nghệ phẩm nhưng không có tánh cách mỹ học. Đó là kinh nghiệm cảm tính và kinh nghiệm hôn mê.

Kinh nghiệm cảm tính (sentimental experience) là kinh nghiệm được kích động không do nơi tánh chất nghệ thuật của nghệ phẩm mà do nơi sự hiện hữu của một vài nét đặc thù trong nghệ phẩm đã khơi dậy trong người thưởng ngoạn một vài kỷ niệm trong quá khứ. Chẳng hạn một người ngắm bức tranh chân dung thiếu nữ có mái tóc dài và mái tóc dài trong tranh đã gây cho người ngắm tranh một xúc động mạnh về một người tình nào đó cũng có một mái tóc
dài tương tự. Sự xúc động mạnh này là một kinh nghiệm do bức
tranh gây ra nhưng không phải là kinh nghiệm mỹ học vì không liên hệ trực tiếp và có hệ quả với chánh bức tranh. Và sự xúc động đó cũng không thể dùng làm căn bản để qui định giá trị nghệ thuật của bức tranh được.

Kinh nghiệm hôn mê (trance experience) là kinh nghiệm thường xảy ra cho người ngắm tranh hay nghe nhạc. Sự quá chú tâm ngắm một bức tranh, nhứt là tranh siêu thực có thể đưa người ngắm tranh đến tình trạng như bị hôn mê hay bị thôi miên không còn tỉnh táo để nhận định giá trị nghệ thuật của nghệ phẩm nữa. Đối với người nghe nhạc cũng vậy nếu quá chú tâm vào tiếng nhạc cũng dễ bị dẫn đưa vào hôn mê để quên đi phán đoán. Kinh nghiệm hôn mê giống như kinh nghiệm thiền của người ngồi thiền trước bức tường trắng, kinh nghiệm hôn mê của người ngồi thiền và bức tường trắng không có giá trị nghệ thuật.

Kinh nghiệm hôn mê giống như kinh nghiệm cảm tính không phải là kinh nghiệm mỹ học vì không dựa vào giá trị nghệ thuật của nghệ phẩm. Sự khác biệt trong kinh nghiệm mỹ học và các kinh nghiệm kia là kinh nghiệm mỹ học luôn luôn tập trung vào chánh nghệ phẩm còn hai loại kinh nghiệm kia thì hoặc tập trung vào kỷ niệm hoặc tập trung vào tiềm thức. Như vậy, để đánh giá một nghệ phẩm ta phải căn cứ vào kinh nghiệm mỹ học đích thực. Có hai yếu tố chánh cho việc xác định một kinh nghiệm mỹ học đích thực là cường độ và ý nghĩa. Cường độ của kinh nghiệm mỹ học càng cao thì kinh nghiệm mỹ học càng tốt, cũng như một kinh nghiệm mỹ học càng có ý nghĩa thì kinh nghiệm mỹ học đó càng có giá trị. Cường độ nói ở đây là độ mạnh của xúc cảm như khi ta nói một nghệ phẩm nào đó đã làm ta “xúc động” mạnh, làm ta bị “hớp hồn”.

Điều đó có thể xảy ra như khi ta đứng trước bức danh họa Pieta của Michelango được chưng bày ở La Mã rồi bị thu hút không thể rời chân được vậy. Có thể nói yếu tố cường độ làm cho ta cảm nhận, cảm thông được với nghệ phẩm, còn yếu tố ý nghĩa có thể nói là làm ta “thấy” và “hiểu” được nghệ phẩm. Khi một nghệ phẩm tạo được trong người thưởng ngoạn một cái nhìn mới, một khung trời mới hay một khía cạnh mới của sự vật thì đó là một kinh nghiệm mỹ học có phẩm chất. Điều quan trọng khi đánh giá một nghệ phẩm căn cứ trên kinh nghiệm mỹ học, người thưởng ngoạn phải thận trọng tự xem xét tình cảm của mình có phải là những rung động khởi xuất từ nghệ phẩm hay chỉ là những tình cảm vay mượn gây ra từ những nguồn cội bên ngoài nghệ phẩm.

Như vậy, một nghệ phẩm này được xem là giá trị hơn nghệ phẩm kia chánh là vì nghệ phẩm đó có khả năng tạo được những kinh nghiệm mỹ học tốt hơn những kinh nghiệm mỹ học của nghệ phẩm kia, những kinh nghiệm có cường độ mạnh hơn và có ý nghĩa hơn. Vấn đề mỹ học như là yếu tánh của nghệ phẩm là một vấn đề đã và sẽ còn được bàn luận rất nhiều. Ngày nào mà con người còn chưa chịu ngừng nghỉ trên con đường đi tìm Chân, Thiện, Mỹ thì ngày đó con người còn đưa ra những kiến giải khác nhau về vấn đề mỹ học trong nghệ phẩm. Ba khái niệm Chân – Thiện – Mỹ là hướng phát triển muôn đời của nhân loại, là tiêu mốc đi tới của mọi nền văn hóa vì con người lúc nào cũng đều hướng tới cái hợp lý nhứt, cái hài hòa nhứt, và cái hoàn mỹ nhứt. Văn học nghệ thuật phản ánh cuộc sống nên không ra ngoài quy luật đó. Cho nên mỹ học mãi mãi là một vấn đề thiết thân của nghệ thuật.

Đó là nói về các nền văn học phương tây, riêng về Việt Nam thì từ trước cho đến nay khi nói đến Chân – Thiện – Mỹ ta thường hay nhắc tới những cao quí của giá trị tinh thần. Vấn đề mỹ học rất ít được đề cập tới hoặc có nói tới cái đẹp thì thường đi tìm cái khí, cái thần, cái siêu thoát của tác phẩm nghệ thuật hoặc những lời dạy đã được nêu ra từ bao ngàn năm trước rút ra từ Tứ thư, Ngũ kinh. Bàn về cái đẹp thì phải là cái đẹp hài hòa trong quan niệm âm dương của Kinh Dịch, bàn về tìm hiểu tác phẩm thì nhiều người hay có thói quen dẫn lời dạy của các bậc hiền nho như Mạnh Tử có nói “dĩ ý nghịch chí” tức phải tìm hiểu cái ý của tác phẩm rồi ngược mạch văn mà tìm về chí hướng của tác giả..., hay bàn về khả năng của ngôn ngữ thì nhắc lại các nhận xét của Đạo gia như “ngôn bất tận vật”, “ngôn bất tận ý”... hoặc nhắc lời dạy của Lão Tử như “ngôn giả bất tri”, người hay nói là không biết gì hết..v.v.. Nhắc lại những điều này người viết không có ý phủ nhận giá trị của các lời dạy của các bậc hiền giả xưa, mà người viết chỉ muốn nêu lên là văn học Việt Nam đã từ lâu ngủ quên trên các đường xưa lối cũ. Văn học Việt Nam cần phải mau thức dậy ìm đường ra khỏi các lũy tre để nhìn xem thế giới đang náo nức chạy về phía trước, đua nhau thưởng thức hết khu vườn đầy kỳ hoa dị thảo này đến vườn hoa mỹ miều khác, hoặc hăm hở khai phá các khu rừng thâm u kỳ bí của nền văn học thế giới. Nếu không mau thức dậy mà sánh vai cùng người để cải tiến và nâng cao các chuẩn mực cho giá trị của mỹ học thì văn học Việt Nam sẽ khó thoát ra khỏi các vòng rào nhỏ hẹp của các thôn làng hoặc các bức tường rào của các ghetto văn học.

Tài liệu tham khảo:
1. Mathew Lipman, Contemporary Easthetics, Boston: Allyn & Bacon, Inc., 1973.
2. Lucius Garvin, “The Paradox of Aesthetic Meaning” in Reflections on Art, edited by Susanne K. Langer, New York: Oxford University Press, 1961.
3. __________, “Aesthetics/Anti-aesthetics” in Literary Aesthetics, A Reader, edited by Alain Singer & Allen Dunn, Oxford: Blackwell Publishers, 2000.
4. Arthur C. Danto, “Aesthetics”, Encarta Encyclopedia online
5. Bùi Vĩnh Phúc, Lý Luận Và Phê Bình, Hai Mươi Năm Văn Học Việt Nam Ngoài Nước, 1975 – 1995, California: Nhà Xuất Bản Văn Nghệ, 1996.

NGUYỄN MINH TRIẾT
Tiến sĩ Nguyễn Minh Triết (Houston, TX)
Sunday, August 5, 20188:14 AM(View: 6646)
Nguyễn Vy Khanh, một Nhà Nhận Định, Biên Khảo và Phê Bình Văn Học...Ở Hải Ngoại, trong hàng chục năm qua Ông là một trong số những cây bút tài năng trong chuyên môn. Những công trình rất to lớn của Ông, đã đóng góp liên tục không ngừng nghỉ, cho Văn Học Việt Nam chúng ta. Một công trình thật sáng giá cho lợi ích Văn Học. Điều chắc chắn là, phần đông trong giới làm VHNT, hầu như thu thập kiến thức để bổ sung cho ngòi bút sáng tác của mình, không ai mà không trích vốn tích lũy từ nguồn những tác phẩm Ông viết... Xin chân thành cảm ơn thật nhiều, đến Nhà Nhận Định, Biên Khảo và Phê Bình Văn Học Nguyễn Vy Khanh