Tựa

Monday, May 14, 20183:15 PM(View: 3251)
Tựa
tựa


Tôi, làm thơ và sống với thơ hơn hai phần ba tuổi đời, tính đến nay có trên ba mươi năm. Lúc tuổi vừa mới lên trung học đệ nhất cấp, với những sinh hoạt hăng hái trong vài bút nhóm, thi văn đoàn, cho đến khi làm thơ biệt lập, một mình. Có nhiều thơ đăng trên một số báo và tạp chí ở Sàigòn , với mốc thời gian không bao giờ quên... đó là năm Mậu Thân ngập tràn máu lửa. Tiếp đến, người làm thơ, tôi phải đi vào đời và nhập cuộc để phải trải qua muôn vàn nghiệt ngã và thử thách. May mà còn nguyên vẹn trong cuộc chiến đấu bảo vệ tự do trước kia và may mà còn sống sót trở về từ các địa ngục tù đày, tưởng như bỏ mạng của sau 1975 dưới chế độ CSVN.

Thơ, vẫn như nguồn năng lực phép mầu, vẫn cứu độ trong lúc khốn cùng sinh tử. Thơ, cứ như người tình luôn vuốt ve, an ủi trong bao toan tính đầy mạo hiểm, khi thơ tuôn ra như những dòng huyết tự. Thơ làm thật nhiều qua biết bao chặng đường, kể cả số thơ làm lén trong những lúc bị gông cùm không có viết, phải dùng vật bén nhọn hay sỏi cuội mà viết nên chữ ; nhưng tất cả thơ ấy đều theo dòng thác kinh hoàng mà mất hết. Nhưng rồi thơ cũng tiếp tục sinh sôi bởi sức mạnh của tình yêu, bởi ánh sáng của lý tưởng. Viết đến đây tôi chợt nhớ đến bản Anh ngữ vừa đọc, do nhà thơ Viên Linh dịch từ một bài thơ đơn giản, nhẹ nhàng nhưng rất ý nghĩa:

“ The night has a thousand eyes “ của F.W Bourdillon, trong Tạp chí Khởi Hành số giai phẩm xuân Canh Thìn:

The night has a thousand eyes,
And the day but one
Yet the light of the bright world dies
With the dying sun
The mind has a thousand eyes,
And the heart but one
Yet the light of the whole life dies
When love is done.

Đêm có nghìn con mắt
Ngày chỉ có một
Nhưng ánh sáng của thế giới huy hoàng tắt
Khi mặt trời kia chết.
Trí tuệ có nghìn con mắt
Trái tim chỉ có một,
Nhưng ánh sáng của cả cuộc đời sẽ tắt
Khi tình yêu đã hết...

Ánh sáng huy hoàng của thế giới chúng ta làm sao không tắt đi được, khi mặt trời kia của chúng ta đã chết! Những cuộc tình nghiệt oan kia, từ le lói rồi cũng tắt hẳn. Chỉ còn một con mắt của ngày là ánh sáng mặt trời thiên nhiên. Một con mắt của ngày, nghĩa là chỉ cần một con mắt thôi, chỉ một con mắt... nhắm, mới chính xác tọa độ để... nhắm... tới mục đích, để nhắm... tới thi ca, để nhắm tới lý tưởng. Chứ không phải có nghìn con mắt của đêm đen dã thú, chứ không phải có nghìn con mắt của trí tuệ gian tà với đủ thứ trắt tréo chủ nghĩa, với đủ thứ lý luận nhân danh!

Nhưng ánh sáng cuộc đời có lẽ không bao giờ tắt, dù tình yêu hoa mộng đã chết, để lại vết thương tang tóc cho tâm hồn. Rồi... tình yêu khác sẽ tái sinh, sẽ đâm chồi nẩy lộc và trở về tiếp tục ngự trị trong trái tim thơ, trong trái tim chứa đầy nhân ái. Một trái tim luôn nóng hổi như ánh thái dương trên quê người chói chang. Một trái tim không bao giờ vơi tình yêu tha nhân và đồng loại, không bao giờ mờ phai hình ảnh quê nhà! Nhất là không bao giờ ngưng nhịp đập thơ!

Như tôi đã viết vài nét sơ lược về tôi trong trang bìa sau tập thơ thứ nhất vừa qua: với quá khứ tôi có một bút hiệu khác. Vì gặp phải nhiều khúc quanh mang tính chất lịch sử ấy, nên tôi phải đổi sang bút hiệu Hà Nguyên Du, gần như với tên thật theo kiểu đảo qua lại của Mỹ, cộng với một ẩn dụ như ... thơ, cũng có từ trong cái tên mới này. Và chính vì cái tên mới...như thiếu gió đưa hương, như có chút thắc mắc, nên khi viết bài tựa, dẫn tôi đến sự bắt buộc phải dài dòng; lẽ ra chỉ cần ngắn như sơ lược của tập thơ trước là đủ.

Người làm thơ nhiều lận đận như tôi, khác chi một phụ nữ thai nghén chờ ngày khai hoa nở nhụy. Sang Mỹ cuối năm chín mươi, đến cuối năm một ngàn chín trăm chín mươi tư...Hà Nguyên Du mới bắt đầu xuất hiện trên các tạp chí Văn học ở hải ngoại.

Thế nhưng tính lại, phải mất tám năm sau, đứa con tinh thần trong nghịch cảnh của tôi mới được ra đời. ( In tập thơ thứ nhất tên “ Lối Khác “ năm 1998 vừa qua)

Sự ra đời ấy, dĩ nhiên là một quí phẩm của sự đánh đổi máu xương. Qua các yếu tố trên, ắt đủ để nói lên sinh phần thơ tôi : “ đó là một thủy chung với thi ca, một hóa thân kỳ diệu, một vòm cao cho một cánh bướm, một chân trời cho những bước chân, một phần thưởng vô giá cho một ăn ở tốt đẹp, bất biến... “ ( Theo như sự ghi nhận trong bài viết đúng đắn nhất của Thi sĩ Du Tử Lê về thơ Hà Nguyên Du qua lời đề tựa cho tập thơ “ Lối Khác” ) Thế nên, tôi luôn tự tin và khẳng định về bước đi của mình trên con đường thơ: là bằng đôi chân và trái tim của định mệnh, của hiện thân, chẳng khác chi thứ nghiệp dĩ mà không một cản lực nào có thể ly gián được... Những bước đi là bước song hành, một với dòng cảm xúc cực mạnh và một với nguồn nỗ lực vô biên, trong một hiện hữu..., ( lại cũng với một cảnh ngộ bất xứng!)

Vì thế, với tôi, thơ như là óc não và xương thịt của đời sống “ thi nhân “ (Theo bài viết về thơ tôi gần đây của Nhạc sĩ Lê Mộng Nguyên (tiến sĩ, giáo sư Đại học Sorbonne) ở Paris, đã mở ra cho tôi một chân trời rực sáng và nguồn khích lệ vô cùng! ) Nên, riêng tôi, thơ không phải là một chiếc áo muốn khoát vội vàng, lại càng không thể là một trang sức hay các màu phấn son làm cho vẻ mặt tăng phần nhan sắc trong lối sống thực dụng, phàm nặng tính háo danh

Với Thơ Hà Nguyên Du (Anh Biết, Em Yêu Dấu ) của tôi hiện nay, là tập thơ thứ hai mà chúng ta đang có trong tay, vẫn ra đời trong nghịch cảnh. Thật chẳng khác chi sự ..“ lội ngược dòng ” trong những thứ cuồng lưu kinh hãi của cuộc sống tha hương, một cuộc sống dễ bị cuốn đi hết những giá trị tinh thần thuộc phạm trù văn học, văn hóa của dân tộc Việt. Vì vậy, tác phẩm nào ra đời của mỗi tác giả, hầu hết đều với một cố gắng đáng ca ngợi...

Về phần tôi sau này, tôi quyết định là sẽ in, sẽ xuất bản hết những gì mình viết ra, tạo ra. Sẽ không để thất bác như trong chuỗi dài của quá khứ, dù hiện tại có phải đánh đổi một giá đắt nào! Bởi, tôi nghĩ rằng sự sống con người vốn quá ngắn, lại ngắn trong bức xúc lầm than, lại ngắn trong điêu linh tang tóc, lại ngắn trong thù hận tù đày, lại ngắn trong phân ly nghiệt ngã. Tất cả những thứ ngắn ấy tựu chung vẫn là một cuộc đời rất ư... vô nghĩa; nên theo tôi, cần phải hy sinh, phải có cách hóa giải hay hóa thân như thế nào đó... sao cho có chút nghĩa với một kiếp người được sinh ra, dù thế nào cũng vốn là trân quí!

Khi nói đến sống sao cho có nghĩa, tôi lại nhớ ơn những nhạc sĩ đã khuất có phổ thơ tôi, như cố nhạc sĩ Đỗ Lễ, cố nhạc sĩ Hoàng Linh Duy, cùng với những nhạc sĩ còn sinh tiền ...Tất cả đều mang lại ý nghĩa cho đời sống tôi; và hẳn có ý nghĩa cả cho đời sống xã hội (Tập thơ trước của tôi còn trong thời gian lo chuẩn bị in thì liên tiếp ĐL & HLD mất )

Nhất là nhớ đến việc chỉ mới ngày hôm qua thôi, tôi không nén được lòng, lúc “ cánh cửa đã đóng ” sau khi đưa thi hài cố Nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng vào lò hỏa thêu. Với tiếng khóc nức nỡ của nhà báo Lâm Tường Dũ, của nữ ca sĩ Ngọc Minh, và... những dòng lệ tiếc thương của Nhạc sĩ Trúc Hồ, cùng một số văn nghệ sĩ khác..v..v..

Trầm Tử Thiêng! tôi gọi tên anh lần cuối cùng với cả lòng kính phục. Một Nhạc sĩ tài hoa khả kính. Một con người của lý tưởng sáng ngời, một khí tiết của một bản lĩnh hào hiệp. Anh đã thành một hạt lúa đang nẩy mầm!

Tôi viết tựa cho tập thơ tôi chưa xong thì anh Trầm Tử Thiêng đã vĩnh biệt chúng tôi. Dự định xong tập thơ này, có bài nhạc anh phổ từ thơ tôi, khi ra mắt, tôi hy vọng là sẽ nhờ anh, sẽ thuyết phục anh lên sân khấu để hát, nhưng ôi! nào ai có ngờ..!!

Để kết thúc lời tựa, tôi kính dâng tác phẩm thứ hai này lên hương hồn Ba tôi. Và xin trích dẫn một bài thơ ngắn của tập “Anh biết, em yêu dấu” này, một bài thơ với vô cùng cảm kích mà làm ra do tôi đọc được nơi Boris Pasternak ( từ sưu tập của tạp chí TK21) :

“ Trong đời sống, sự mất đi quan trọng hơn sự tồn tại. Một hạt lúa chỉ nẩy mầm khi nó chết đi “
Bài thơ tuy rất giản dị và bình thường, nhưng có ý nghĩa riêng, nhất là cho các văn nghệ sĩ. Vậy tôi xin dâng lên hương hồn hai cố Nhạc sĩ như nêu trên...

Đặc biệt xin dâng lên hương hồn cố Nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng, người Nhạc sĩ tài hoa và khả kính! (vừa mới từ trần ngày 25/01/2000 )


Bài thơ ấy như sau :

Cảm Pasternak

gắng
tu
hạt cát
cát
còn bị giẵm nát
chưa
nên
hạt
lúa
cảm Pasternak
gắng
tu
hạt thơ
thơ
còn bị giẵm nát
chưa
nên
hạt
lúa
Hà Nguyên Du
Feb 03/2000